Tác Giả: Tiến sĩ Nancy Trần, Giám Đốc Đài TNT
Tôi rất tự hào được là thành viên của một cộng đồng tràn ngập tình yêu thương và sự hỗ trợ. Khi ai đó trong cộng đồng Người Việt nhận được kết quả chẩn đoán sức khỏe về thể chất – dù là bệnh trạng lâu dài như tăng huyết áp, hay bệnh hiểm nghèo như ung thư – thì cộng đồng chúng ta vẫn luôn cùng nhau hỗ trợ người bệnh và gia đình họ. Chúng ta khuyến khích họ dùng thuốc, thường xuyên đi khám bác sĩ và thay đổi lối sống để nâng cao sức khỏe cũng như tinh thần một cách hiệu quả nhất.
Điều quan trọng đối với cộng đồng chúng ta là cần thể hiện lòng nhân ái và sự hỗ trợ tương tự như vậy khi một thành viên trong gia đình hay bạn bè được bác sĩ chẩn đoán hoặc gặp vấn đề về tâm bệnh.
Tâm bệnh, cũng giống như bệnh thể chất, có thể xảy ra với bất kỳ ai – bất kể tuổi tác, hoàn cảnh hay giới tính. Chúng luôn hiện hữu và không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hay do lựa chọn, chúng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc nếu không được điều trị. Điều đáng tiếc là do không hiểu rõ hoặc vì thành kiến, mà nhiều người trong cộng đồng chúng ta luôn cảm thấy xấu hổ và lo sợ khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Họ lo sẽ khiến gia đình phải xấu hổ, rằng các triệu chứng tâm bệnh của họ là do tội lỗi của bản thân hoặc tổ tiên, hay là sự phản ánh tư cách đạo đức của họ. Kết quả là nhiều bạn bè và những người thân yêu của chúng ta sẽ tự cô lập, che giấu hoặc phủ nhận bệnh tật của chính mình, thay vì đi khám bệnh để được chữa trị và hiểu rõ về những triệu chứng tâm bệnh của mình.
Thực tế là việc tự cô lập sẽ không làm cho các triệu chứng hoặc tình trạng tâm bệnh biến mất. Ngược lại, các triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi không được điều trị.
Để bảo đảm cộng đồng của chúng ta nhận được dịch vụ điều trị y tế mà họ cần để sống khỏe mạnh – cả về thể chất lẫn tinh thần, chúng ta phải quan tâm và hỗ trợ các vấn đề sức khỏe tâm thần giống như khi mắc các bệnh về thể chất.
Những hỗ trợ cho hai loại bệnh này không khác gì nhau, thí dụ: Họ có cần giúp đưa đi khám bệnh không? Chúng ta có thể giúp cuộc sống của họ bớt căng thẳng hơn bằng những món ăn nấu sẵn đủ dùng trong vài tuần hay phụ giúp họ làm việc nhà không?
Lúc khác, sự hỗ trợ có thể là điện thoại cho bạn bè, người thân của mình để thăm hỏi và đơn giản là lắng nghe họ mà không phán xét. Hoặc, nắm tay người có tâm bệnh khi họ lần đầu gọi điện thoại cho một chuyên gia tư vấn, hoặc giúp trông coi trẻ nhỏ để họ có thể đi dạo hoặc chạy việc vặt. Đó là những điều mà chúng ta thường làm nếu bạn bè hoặc người thân đang phải chiến đấu với căn bệnh như ung thư. Phản ứng của chúng ta sẽ không khác gì nếu họ đang sống chung với bệnh lý liên quan đến não như trầm cảm.
Là một cộng đồng, chúng ta có thể giúp xóa bỏ cảm giác xấu hổ và kỳ thị đối với tâm bệnh bằng cách bày tỏ sự cảm thông và tìm hiểu thêm về những chẩn đoán tâm bệnh cùng các triệu chứng. Bằng cách tự tìm hiểu và giúp đỡ soi sáng vấn đề, chúng ta có thể thấy rằng những người được chẩn đoán mắc tâm bệnh có thể khỏi bệnh và sống một cuộc đời bình thường, khỏe mạnh khi được cung cấp phương pháp điều trị và sự hỗ trợ phù hợp. Đó là lý do tại sao việc phối hợp với nhau và chăm sóc cho những người đang mắc tâm bệnh trong cộng đồng của chúng ta trở nên cấp thiết và (đôi khi cứu sống họ).
Để tìm hiểu thêm về cách giảm thiểu sự kỳ thị trong cộng đồng Người Việt, có nhiều nguồn thông tin hữu ích trên trang web cộng đồng StopStigmaSacramento.org, bao gồm trang web dành cho cộng đồng Người Việt tại đây về cách giảm thiểu sự kỳ thị đối với vấn đề sức khỏe tâm thần. Mẫu mở đầu cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh và tiếng Việt hiện có sẵn tại đây nếu quý vị không biết cách để nối kết với một người có thể đang phải đương đầu với tâm bệnh.